Bạn đã biết, chạy tiếp sức là gì và kỹ thuật chạy tiếp sức thực hiện như thế nào đúng cách để giúp cho đội chạy của mình đạt thành tích cao nhất hay chưa? Nếu đang băn khoăn vấn đề liên quan đến chạy tiếp sức này, hãy cùng Dụng Cụ Thể Dục đi tìm hiểu câu trả lời chính xác thông qua bài viết dưới đây nhé !
Chạy tiếp sức là gì?
Chạy tiếp sức là một trong những môn thể thao điền kinh được nhiều người yêu thích. Khác với các môn thể thao cá nhân, chạy tiếp sức là bộ môn thể thao đồng đội. Các thành viên trong đội sẽ lần lượt chạy trên một quãng đường nhất định và trao "tín gậy" cho người đồng đội tiếp theo để tiếp tục phần thi cho đến khi người cuối cùng về đích.
Chạy tiếp sức
Thông thường, mỗi đội chạy tiếp sức sẽ có 4 thành viên chạy tiếp sức cho nhau, để hoàn thành chặng đấu với thời gian về đích ngắn nhất so với các đội tuyển còn lại. Hiện nay, có ba thể loại chạy tiếp sức phổ biến nhất là chạy tiếp sức nam, chạy tiếp sức nữ và chạy tiếp sức 2 nam : 2 nữ. Mỗi giải đấu khác nhau sẽ có những quy định về quãng đường chạy khác nhau chẳng hạn như 4x100m; 4x200m; 4x400m; 4x800m,...
Máy chạy bộ Sakura HQ-V2C được thiết kế đa năng, sử dụng động cơ DC có công suất 3.0Hp và phù hợp sử dụng để tập luyện thể dục ở nhà cho gia đình
Các vị trí vận động viên trong chạy tiếp sức
Giống như các môn chạy bộ khác, thời gian là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của cuộc thi đấu. Do đó, việc sắp xếp vị trí cho các vận động viên khi tham gia chạy tiếp sức phải được lên kế hoạch và chiến thuật cụ thể để các vận động viên có thể tối đa vận tốc của mình trong mỗi chặng đấu. Thông thường vị trí của các vận động viên khi tham gia trận đấu chạy tiếp sức sẽ được phân chia như sau:
- Người ở vị trí đầu tiên: Là người có kỹ năng phản xạ nhanh ngay khi nghe thấy tín hiệu còi xuất phát, đồng thời người này cũng sở hữu tốc độ chạy tốt và trao gậy chuẩn xác để tạo lợi thế cho toàn đội ngay từ những bước đầu tiên.
Các vị trí trong chạy tiếp sức
- Người ở vị trí thứ hai và ba: Những người được sắp xếp ở vị trí này khi chạy tiếp sức phải có tốc độ tốt, kỹ thuật bắt gậy và chuyền gậy chính xác để phối hợp với các đồng đội ở vị trí chuyền gậy.
- Người ở vị trí cuối cùng: Đây là người có khả năng chạy nước rút tốt nhất để tận dụng kỹ năng bứt tốc và vươn về đích nhanh nhất cho đội.
Kỹ thuật chạy tiếp sức đúng cách từ các HLV
Ngoài việc sắp xếp vị trí phù hợp cho các vận động viên theo chiến thuật thi đấu chạy tiếp sức thì mỗi vận động viên cũng cần được trang bị đầy đủ các kỹ thuật chạy để tối đa vận tốc và giảm tiêu tốn thời gian. Kỹ thuật chạy này sẽ được chia nhỏ thành nhiều giai đoạn khác nhau trong trận đấu, cụ thể như sau:
1. Kỹ thuật xuất phát
Tất cả 4 thành viên trong đội chạy tiếp sức đều phải thực hiện tư thế xuất phát theo quy định của giải đấu. Trong đó, người chạy ở vị trí đầu tiên sẽ thực hiện tư thế xuất phát thấp như sau:
- Đặt chân thuận vào bàn đạp trước, chân không thuận vào bàn đạp sau
- Tay đặt sau vạch xuất phát, các ngón tay chống lên theo hình vòng cung
- Đối với tay phải, chỉ dùng ngón trỏ và ngón cái chống lên, các ngón khác cầm gậy
- Khi nghe thấy hiệu lệnh còi thì nhướn người về phía trước và đồng thời nâng mông lên cao hơn vai
- Sau đó thực hiện chạy lao, mắt hướng thẳng, chạy càng nhanh càng tốt
Kỹ thuật xuất phát chạy tiếp sức
Đối với người chạy tiếp sức ở vị trí 2, 3 và 4 thì sẽ thực hiện tư thế xuất phát 3 điểm gồm 2 chân và 1 tay chống xuống đất, đầu quay lại phía sau để quan sát đồng đội, đồng thời dùng 1 tay còn lại để bắt lấy gậy khi đồng đội chuyền.
2. Kỹ thuật tăng tốc
Đối với vận động viên ở vị trí đầu tiên, ngay khi nghe thấy hiệu lệnh còi xuất phát, người chạy phải dùng lực đẩy từ hai chân kết hợp với hai tay để lao nhanh người về phía trước và chạy với tốc độ nhanh nhất có thể nhằm tạo lợi thế ban đầu cho cả đội.
Đối với các vận động viên tham gia chạy tiếp sức ở vị trí 2, 3 và 4 thì phải luôn sẵn sàng tư thế để bắt gậy từ người đồng đội liền kề. Sau khi nhận được gậy người chạy phải tăng tốc tối đa để nhanh chóng hoàn thành quãng đường chạy của mình.
3. Kỹ thuật chạy giữa quãng
Đối với các trận đấu có cự ly chạy dài, thì chạy giữa quãng là lúc các vận động viên cần ổn định tốc độ, điều hòa nhịp thở và chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn bứt tốc về đích. Tốc độ chạy chủ yếu phụ thuộc vào hiệu quả đạp sau nên động tác cần được thực hiện nhanh chóng, dứt khoát và mạnh mẽ. Khi đánh tay phải chú ý đến nhịp độ sao cho tay và chân phải so le với nhau để giữ thăng bằng cho cơ thể.
4. Kỹ thuật chạy về đích
Khi còn khoảng 15-20m đến điểm tiếp sức, các vận động viên phải nhanh chóng bứt tốc để lao về phía đồng đội của mình chuyền gậy và tạo lợi thế thời gian cho toàn đội. Lúc này, các vận động viên nên ngả người về phía trước để tăng hiệu quả đạp sau. Giữ khoảng cách của hai chân cách nhau 10-15cm để hai đùi không cản trở nhau khi chạy.
Kỹ thuật chạy tiếp sức
5. Kỹ thuật chạy đường vòng
Đường vòng là cung đường thường thi đấu trong các sân vận động dạng sân bóng kết hợp với đường chạy điền kinh. Các vận động viên có thể tận dụng đường vòng để vươn lên vị trí dẫn đầu, khi chạy đường vòng người chạy phải lưu ý:
- Chạy sát mép đường chạy của mình, bàn chân hơi xoay và nghiêng người về bên trái
- Độ nghiêng càng mạnh thì tốc độ chạy cũng càng nhanh, tuy nhiên khi ra sắp ra khỏi đường vòng, người chạy phải giảm tốc từ từ và thẳng người về vị trí ban đầu, tránh bị mất thăng bằng rồi ngã.
6. Kỹ thuật trao tín gậy
Đây là khoảng thời gian ngừng tạm thời khi hai vận động viên chuyền gậy cho nhau. Nếu kỹ thuật trao gậy chính xác và nhanh chóng sẽ giúp thời gian được tiết kiệm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp vì lệch hướng mà hai vận động viên mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành chuyền gậy. Các vận động viên có thể thực hiện trao gậy theo hai cách:
- Trao từ dưới lên trên: Khi nghe thấy tín hiệu từ đồng đội phía sau mình, người nhận gậy giang tay ra sau, lòng bàn tay úp, các ngón tay hướng xuống dưới. Khi đó người trao gậy sẽ đưa gậy từ dưới lên trên vào giữa ngón trỏ và ngón cái.
- Trao từ trên xuống dưới: Đây là cách trao gậy thường được áp dụng trong các cuộc thi đấu chạy tiếp sức ở trong thực tế. Khi đó, người nhận gậy sẽ ngửa lòng bàn tay lên, người trao gậy sẽ đặt gậy vào tay nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Kỹ thuật trao gậy chạy tiếp sức
Lưu ý: vị trí trao gậy tốt nhất là lúc khoảng cách giữa hai người chỉ khoảng 1 đến 1,3m. Lúc này cả hai vận động viên sẽ cố vươn tay về phía đồng đội mình để thực hiện trao gậy và bắt gậy nhanh nhất.
Luật chạy tiếp sức trong thi đấu
Với bộ môn chạy tiếp sức, các luật chơi và quy định cũng sẽ được thông báo rõ ràng cho mỗi người chơi để phần thi được diễn ra suôn sẻ và công bằng nhất. Cụ thể:
1. Quy định về gậy tiếp sức
Thông thường, các giải đấu điền kinh sẽ quy định về gậy tiếp sức như sau:
- Gậy phải được làm từ các loại cứng như gỗ, kim loại,...
- Gậy phải là dạng ống rỗng chu vi từ 12-13cm; độ dài khoảng 28-30cm
- Gậy chạy tiếp sức có trọng lượng tối thiểu là 50 gram
2. Luật trong quá trình chạy
Các vận động viên được yêu cầu chạy trong ô đường chạy của mình và không được phép lấn sang ô của các đội khác, nếu không sẽ được tính là phạm luật. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian chạy thì người chơi phải cầm chắc gậy trong tay, tránh tình trạng làm rơi gậy, mất thời gian.
Luật chạy tiếp sức
3. Quy định trao và nhận gậy
Trên quãng đường chạy sẽ có một đoạn đường dài 20m dành cho thời gian trao gậy, trong đó 10m là của người trao gậy, 10m là của người nhận gậy. Phạm vi này sẽ được đánh dấu rõ ràng trên đường chạy. Khi nhận được gậy vận động viên sẽ không được phép chạy ra khỏi phạm vi 20m này cho tới khi các đội khác đã hoàn thành trao gậy. Điều này để tránh việc chen lấn, xô đẩy giữa các đội với nhau.
Các trường hợp đội thi đấu bị loại khỏi trận đấu
Bên cạnh các quy định buộc phải thực hiện, thì cũng có những trường hợp khác buộc đội chơi phải rời khỏi cuộc thi do mắc phải những lỗi sau đây:
- Mất tín gậy
- Xuất phát sai
- Trao và nhận gậy không đúng quy định
- Vượt qua đối thủ không đúng cách
- Cố tình ngăn cản đối thủ vượt qua mình
Những lưu ý cho VĐV khi tham gia chạy tiếp sức
Theo kinh nghiệm chia sẻ từ các vận động viên điền kinh chuyên nghiệp, để có thể hoàn thành tốt trận đấu của mình thì các vận động viên tham gia chạy tiếp sức phải lưu ý những điều sau:
- Khởi động trước trận đấu: Các bài tập khởi động nhẹ cho toàn bộ cơ thể sẽ hỗ trợ người chạy trong quá trình thi đấu, tránh các rủi ro chấn thương khi vận động đột ngột và đồng thời giúp tối đa được tốc độ chạy bộ.
- Trang phục thi đấu: Ngoài việc lựa chọn bộ trang phục thoải mái, co giãn và thấm hút tốt; người chơi cũng cần đầu tư cho mình một đôi giày có kích cỡ phù hợp, êm nhẹ và ôm sát để quá trình chạy được ổn định hơn.
Trang phục chạy tiếp sức
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Để chuẩn bị cho thi đấu, các vận động viên cần có một chế độ ăn khoa học dài trước đó. Đảm bảo rằng cơ thể luôn được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và nước để có một thể lực tốt nhất.
- Không dừng đột ngột: Sau khi hoàn thành quãng đường chạy của mình, người chạy phải tiếp tục thực hiện các bước chạy ngắn và từ từ dừng lại. Điều này sẽ giúp các vận động viên không bị căng cơ và ngất xỉu do sự biến đổi nhanh chóng của nhịp tim.
Tổng kết
Hy vọng rằng thông qua những thông tin được chia sẻ ở bài viết trên đây, Dụng Cụ Thể Dục có thể giúp bạn hiểu hơn về bộ môn chạy tiếp sức và các quy định của bộ môn điền kinh này. Nếu bạn có thắc mắc gì thì hãy liên hệ với chúng tôi qua email hoặc số hotline để nhận được phản hồi nhanh nhất nhé. Cảm ơn bạn đã ghé thăm website của Dụng Cụ Thể Dục và hy vọng sẽ gặp lại bạn ở những chủ đề tiếp theo !