Bạn đang tìm hướng dẫn kỹ thuật đánh bóng chuyền đúng cách và cơ bản cho người mới tập chơi được chia sẻ từ giáo viên thể dục có kinh nghiệm lâu năm? Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu kiến thức về bộ môn bóng chuyền này qua chủ đề bài viết hôm nay bạn nhé !
Bạn đang có ý định tập chơi bóng chuyền nhưng phân vân không biết phải bắt đầu từ đâu và cần phải tập những gì để chơi tốt được môn bóng chuyền này? Nhằm giúp bạn giải quyết được tất cả những thắc mắc trên, hôm nay Dụng Cụ Thể Dục sẽ chia sẻ với bạn hướng dẫn các kỹ thuật đánh bóng chuyền cơ bản nhất cho người mới tập chơi mà chúng tôi đã tham khảo lại từ giáo trình của các HLV chuyên nghiệp. Nào, cùng bắt đầu học đánh bóng chuyền với chúng tôi nhé.
Kỹ thuật đánh bóng chuyền
1. Kỹ thuật chuyền bóng thấp tay
Kỹ thuật chuyền bóng thấp tay hay đệm bóng là kỹ thuật sử dụng cẳng tay với bàn tay dể chuyền bóng đi và chuyên sử dụng để bắt bước 1 hoặc đỡ các đường bóng của đối phương. Với kỹ thuật bóng chuyền này thì diện tiếp xúc giữa tay với bóng rộng nhưng điểm tiếp xúc lại ít hơn chuyền bóng cao tay, do đó hạn chế được phạm lỗi kỹ thuật như dính bóng hay hai tiếng... Đệm bóng là kỹ thuật phòng thủ và sử dụng để đỡ phát bóng, đỡ đập bóng hay cứu bóng.
Trong thực tế, đệm bóng trong bóng chuyền là kỹ thuật được sử dụng khá nhiều và có tác dụng gồm:
- Đỡ những đường bóng nhanh, mạnh, thấp và khó khi đối phương tấn công sang.
- Phạm vi khống chế rộng và đỡ được những đường bóng ở xa thân người.
- Cấu trúc kỹ thuật đơn giản, dễ tiếp thu và thực hiện thuận lợi hơn kỹ thuật chuyền bóng cao tay.
Trong tập luyện và thi đấu, đệm bóng trong bóng chuyền có các kỹ thuật chính gồm:
- Đệm bóng bằng hai tay.
- Đệm bằng một tay và lăn ngã cứu bóng.
- Ngoài ra, bạn còn có thể dùng thân người, dùng chân đỡ bóng.
Theo chia sẻ của các huấn luyện viên bóng chuyền, kỹ thuật chuyền bóng thấp tay gồm có các động tác sau:
- Đầu tiên, bạn đứng ở tư thế trung bình thấp, hai chân rộng bằng hoặc hơn vai và hai tay co tự nhiên ở hai bên sườn, mắt quan sát bóng, thân hơi gập.
- Khi bạn xác định được chính xác điểm rơi của bóng và ở tầm thích hợp thì hai tay đưa ra đỡ bóng. Hai tay duỗi thẳng, hai bàn tay đặt chéo lên nhau và nắm lại, bàn tay nọ bọc lấy bàn tay kia, hai ngón cái song song kề nhau.
- Khi bóng đến ở tầm ngang hông, cách thân người khoảng gần một cánh tay thì thực hiện đánh bóng. Lúc này chân đạp đất, duỗi khớp gối, nâng trọng tâm thân thể và nâng tay lên. Hai tay được chuyển động từ dưới lên và dùng phần giữa cẳng tay đệm phía dưới bóng kết hợp với nâng tay ở mức độ cần thiết. Khi hai tay chạm bóng cũng là lúc gập cổ tay xuống dưới làm căng các nhóm cơ cẳng tay, kết hợp với hóp bụng và giữ chắc bả vai với khớp khuỷu. Hai tay thẳng, chắc, hai bàn tay nắm và ép chặt vào nhau, toàn thân hơi lao về trước.
Kỹ thuật chuyền bóng thấp tay
Theo kinh nghiệm của các giáo viên thể dục, khi thực hiện kỹ thuật chuyền bóng thấp tay thì bạn cần phải đặc biệt lưu ý một số điều sau:
- Nếu bóng đến với lực nhẹ, vừa phải thì kết hợp với đạp chân và nâng nhanh tay để đẩy bóng đi.
- Nếu bóng đến với tốc độ nhanh, lực mạnh thì hạn chế nâng tay mà ghìm tay để bóng bật đi theo ý muốn.
- Góc độ đường bóng đi phụ thuộc góc độ tay đệm bóng. Góc của tay đệm bóng là góc tạo bởi mặt phẳng đất và cánh tay đệm bóng. Góc độ của tay đệm bóng còn phụ thuộc góc độ của đường bóng đến. Góc độ bóng đến là góc tạo bởi mặt phẳng mặt đất và đường bóng đến. Nếu góc độ của đường bóng đến lớn thì góc độ của tay đệm bóng nhỏ. Nếu góc độ của đường bóng đến nhỏ thì góc độ của tay đệm bóng lớn.
- Trong tập luyện và thi đấu bóng chuyền, ở điều kiện cần vận dụng cụ thể thì tuỳ thuộc đặc điểm góc độ của đường bóng đến và độ cao của đường bóng muốn chuyền đi mà quyết định góc độ của tay đệm bóng cho phù hợp.
2. Kỹ thuật chuyền bóng cao tay.
Kỹ thuật chuyền bóng cao tay hay kỹ thuật búng bóng chuyền (chuyền 2) thường là bước chạm bóng thứ hai của đội nhận được bóng sau khi đã bắt bước 1 thành công. Ở bước này, bạn phải điều chỉnh bóng sao cho đồng đội có thể dễ dàng chạm bóng và tấn công. Vị trí chuyền 2 tương đương và quan trọng không kém vị trí tấn công.
Khi chuyền bóng cao tay, điều quan trọng là phải xác định hướng bóng bay tới để nhanh chóng di chuyển đến đón bóng. Theo các giáo viên dạy bộ môn bóng chuyền, kỹ thuật chuyền bóng cao tay có các bước gồm:
- Sau khi ổn định vị trí, tư thế, hai tay đưa từ phía trước lên chuyền bóng, thân người hơi ngã về phía sau, các ngón tay tiếp xúc với bóng ở tầm trước, hai ngón tay cái cách mặt chừng 15cm, khi tay chạm bóng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay và toàn thân dưới để chuyền bóng đi.
- Khi đỡ bóng (ghìm bóng lại), phải dùng sức cả mười đầu ngón tay, chủ yếu và ngón tay cái là ngón tay đeo nhẫn, các ngón khác chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ. Khi chuyền bóng chủ là ngón tay trỏ, ngón giữa và một phần của ngón đeo nhẫn. Ngón tay cái lúc này chỉ có tác dụng điều khiển đường bóng.
Kỹ thuật chuyền bóng cao tay
Chú ý, khi bắt đầu chạm bóng thì các ngón tay hơi lên gân, nhưng khi chuyền bóng đi rồi tay phải thả lỏng tự nhiên. Khi chuyền bóng không được duỗi thẳng cánh tay hết sức mà phải giữ khuỷu tay hơi cong để có thể điều khiển bóng được dễ dàng, chỉ khi cần chuyền bóng đi thật xa mới duỗi thẳng hoàn toàn. Các ngón tay bao quanh 2/3 quả bóng chuyền về phía sau:
- Hai ngón tay cái thành hình chữ "bát" và người có ngón tay khoẻ thì hai ngón tay cái gần như thành đường thẳng ngang.
- Khoảng cách giữa hai đầu ngón tay cái tuỳ theo cỡ tay từng người, nhưng không được rộng quá một nửa quả bóng để khỏi bị trượt ra phía sau.
- Đỡ bóng từ phía trước mặt tới và chuyền về phía trước.
- Đỡ bóng từ trên cao xuống như đỡ phát bóng thấp tay, phát bóng cao tay hoặc chuyền bóng ra phía sau đầu. Hai tay gần như song song với mặt đất, mặt ngửa lên theo hướng bóng.
3. Kỹ thuật phát bóng chuyền cao tay
Kỹ thuật phát bóng chuyền cao tay có lực đi rất tốt, giúp đội bóng giành được lợi thế khá lớn khi thi đấu và cũng là cách phát bóng dễ kiếm điểm số nhất. Theo các giáo viên bóng chuyền, kỹ thuật phát bóng chuyền cao tay gồm có các bước cơ bản sau:
- Tư thế chuẩn bị: Người tập đứng mặt quay vào lưới, chân trái trước mũi chân thẳng góc với đường biên ngang, chân phải sau (chân trước cách chân sau nửa bước) trọng lượng cơ thể dồn đều trên cả hai chân, tay trái cầm bóng ở phía trước.
- Tung bóng: Tay trái cầm bóng đưa lên ngang tầm mặt thì tung bóng ở trước mặt lên cao hơn đầu từ 80-100cm thẳng lên trên nhưng hơi chếch sang phải (tay đánh bóng). Khi tung bóng người phát cũng có thể hơi khuỵu gối hạ thấp trọng tâm và sau đó vươn thẳng hai chân lên kết hợp với động tác tung bóng nhịp nhàng.
- Vung tay đánh bóng: Cùng lúc tay trái tung bóng lên cao, tay phải co lại và chuyển động từ trước - lên cao - ra sau, thân trên ngả về sau, mắt nhìn theo bóng. Khi bóng từ trên rơi xuống tới tầm tay giơ thẳng thì đánh mạnh vào phía sau, phần dưới tâm của bóng bằng bàn tay mở với các ngón tay chụm tự nhiên.
Kỹ thuật phát bóng chuyền cao tay
4. Kỹ thuật đập bóng chuyền
Đập bóng là một phương thức tấn công chủ yếu khi thi đấu bóng chuyền. Muốn giành chiến thắng thì yêu cầu rất lớn đối với mỗi cầu thủ bóng chuyền là phải có trình độ kỹ thuật điêu luyện, biết nhiều kiểu đập và đập nhiều hướng khác nhau, trong những tình huống khác nhau. Kỹ thuật đập bóng chuyền gồm có các động tác cơ bản sau:
- Tư thế chuẩn bị: Đứng cách lưới khoảng 2 đến 3m (nếu đứng sát lưới thì không có chỗ lấy đà và nhảy lên sẽ bị chạm lưới). Không nên đứng nguyên một chỗ mà nên xê dịch nhẹ để có thể sẵn sàng điều chỉnh bước nhảy và góc độ chạy lấy đà. Đầu gối hơi chùng, thân người hơi ngã về phía trước trong sân và mắt theo dõi người chuyền bóng.
- Lấy đà: Để có sức bật cao hơn và điều chỉnh khoảng cách, vị trí đập bóng cho thích hợp.
+ Thời gian lấy đà là khi đã xác định được đường bóng và hướng bóng tới. Thông thường là khi bóng vừa rời tay người chuyền và nếu đập bóng càng thấp thì càng phải lấy đà sớm hơn, đập bóng cao thì lấy đà chậm hơn.
+ Góc độ của đường lấy đà (so với lưới) phụ thuộc vào khả năng người đập, người đập giỏi có thể lấy đà với góc độ lớn hơn và có khi thẳng góc với lưới. Nếu đập kém hoặc mới tập mà chạy góc độ lớn thì người sẽ chạm vào lưới và đường bóng đập dễ bị chắn cho nên góc độ lấy đà (so với lưới) thông thường từ 35 - 50 độ và với người mới tập thì trung bình là 45 độ.
+ Số bước lấy đà có thể 1 đến 4 bước nhưng thông thường là 3 bước.
- Giậm nhảy: Việc chuyển từ bước lấy đà cuối cùng sang giậm nhảy phải thật liên tục và cũng có người giậm nhảy một chân nhưng thường giậm nhảy bằng hai chân. Bước cuối cùng là bước ở vị trí giậm nhảy, bước này rất quan trọng vì phải làm thế nào để khi nhảy lên có thể đập bóng ở tầm trước mặt. Gót chân ở bước cuối cùng vừa đặt xuống đất và hai chân ngang nhau, thân người vẫn ngả về phía trước thì khuỵu đầu gối thấp xuống và chuyển sức gót chân lên mũi chân để bật lên. Muốn bật được cao phải dùng sức bật của đầu gối, tới khớp xương hông (vươn bụng) và cuối cùng là sức cổ chân. Đồng thời phải phối hợp đánh tay, tức là trước khi giậm nhảy, đánh mạnh hai tay ra phía sau, khi chân đã khuỵu hết mức thì hai tay đánh xuống thẳng góc với mặt sân.
- Nhảy và đập bóng:
+ Chuẩn bị đập bóng được bắt đầu khi thân người bật lên tới tầm cao nhất, người ngửa ra phía sau và hơi nghiêng về phía tay đập bóng, hai chân hơi gập tự nhiên, không khép sát quá cũng không dang rộng quá.
+ Tay đập bóng từ trên cao đưa sát mang tai ra phía sau, cánh tay duỗi thẳng và cổ tay đập gập vào bóng, cổ tay còn có tác dụng điều khiển bóng. Tay kia cũng từ phía trên hạ xuống phối hợp.
+ Khi đập vào bóng, thân người vươn thẳng, hai chân cũng duỗi ra phía trước (đầu gối thẳng) tạo thành sức mạnh đập trúng vào bóng. Đập bóng thông thường ở tầm cao hơn đầu và chếch về phía trước mặt chừng 10-15cm.
+ Bóng nâng cao hay thấp tuỳ theo quả đập cao, trung bình hay thấp. Những điểm chạm bóng vẫn phải ở tầm cao nhất cho nên bất cứ đập kiểu nào cũng phải nhảy thật cao.
Kỹ thuật đập bóng chuyền
- Rơi xuống: Sau khi đập xong, muốn cho người rơi xuống không bị mất thăng bằng, chạm lưới hay vượt qua vạch giữa thì phải thả lỏng các bắp thịt, rơi xuống bằng mũi bàn chân, hai bàn chân xoay theo chiều lưới, đầu gối hơi khuỵu.
5. Kỹ thuật chắn bóng chuyền
Chắn bóng là phương pháp phòng thủ tích cực nhất. Kỹ thuật chắn bóng càng được cải tiến và càng đòi hỏi kỹ thuật đập bóng phải biến hoá muôn hình muôn vẻ. Kỹ thuật chắn bóng nhằm hai mục đích:
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đồng đội tấn công, giảm sức uy hiếp của đối phương (không phải mục đích chắn bóng để ăn điểm).
- Nếu có thể trực tiếp dẫn điểm.
Theo giáo trình giảng dạy của các giáo viên bóng chuyền, kỹ thuật chắn bóng chuyền gồm có các động tác cơ bản sau:
- Tư thế chuẩn bị: Sau khi phát bóng xong thì phải sẵn sàng bám sát lưới để chuẩn bị chắn bóng, người tập thường phải đứng cách lưới chừng 25 đến 35cm. Trước hết phải quan sát và phát hiện mục tiêu (điểm tấn công), nắm vững đặc điểm đập bóng của đối phương và hướng đập bóng để quyết định vị trí chắn bóng. Phải luôn luôn đứng đối diện với hướng bóng tới và phải di chuyển dọc theo lưới. Sau khi xác định vị trí giậm nhảy rồi, hai chân đứng song song cách nhau khoảng một bàn chân, hai tay co lên phía trước cao hơn thắt lưng để chuẩn bị nhảy.
- Nhảy và chắn bóng:
+ Thời gian nhảy phụ thuộc vào tính chất và tầm bóng cao thấp. Bóng cao thì nhảy chậm và bóng thấp thì nhảy sớm. Nhưng nói chung phải nhảy sau người đập một chút, phải quan sát hoạt động tay của đối thủ đập bóng để quyết định nhảy chắn.
+ Thông thường là đứng tại chỗ nhảy lên hoặc nhích lên một bước, hai đầu gối khuỵu xuống, hai cánh tay đưa sát thân người theo bên sườn từ dưới lên lấy đà bật lên cao. Nhảy tới tầm cao nhất, tiếp tục quan sát lần cuối cùng, nhanh chóng đưa hai tay cản đường bóng đập. Tay đưa lên không duỗi hết mức để khi cần thiết có thể chuyển hướng chắn bóng được dễ dàng.
+ Khi chắn bóng bàn tay mở như khi chuyền bóng, hơi ngửa ra phía sau, các ngón tay hơi lên gân để khi bóng chạm tay sẽ bật bổng lên. Hai bàn tay cách nhau chừng nửa quả bóng để bóng không thể lọt qua.
+ Hai cùi tay phải sát mép lưới vì nếu xa quá, bóng dễ bị lọt xuống theo người.
+ Sau khi chạm bóng, không được gập cổ tay theo vì như vậy dễ bị chạm lưới.
- Rơi xuống đất: Khi chắn bóng xong rơi xuống đất bằng mũi bàn chân và tiếp tục quan sát để đề phòng đối phương tấn công nhưng nếu bóng bật trở lại trong sân mình thì phải nhanh chóng lùi xuống chuẩn bị đập bóng.
Kỹ thuật chắn bóng chuyền
Muốn chắn bóng tốt, không những phải có sức bật cao mà còn phải có sức dừng trên không được lâu. Điều quan trọng là phán đoán đường bóng được chính xác và nhảy đúng lúc. Vì vậy, cần tập hỗ trợ nhiều bằng cách nhảy chắn bóng treo, nhảy chắn bóng ở điểm chỉ định trên tường hoặc một vật trên cao...
Lưu ý, khi luyện tập chắn bóng cần phân đoạn như sau:
- Trước hết cần tập chắn lưới thấp không cần nhảy bằng cách một người đập bóng và người khác tập phán đoán các đường bóng đập theo đường lấy đà. Khi đã có khả năng phán đoán nhất định thì nâng lưới lên, nhảy không có bóng, sau mới phối hợp chắn bóng tập theo đường lấy đà.
- Khi trình độ chắn bóng đã khá thì thay đổi tập chắn các đường bóng khác nhau.
- Có thể đứng trên ghế cao đập bóng cho người tập chắn bóng. Khi tập chắn bóng cá nhân tốt rồi mới tập phối hợp chắn bóng tập thể.
Cũng theo các giáo viên, những sai lầm thường mắc phải khi tập chắn bóng gồm có:
- Động tác cứng đờ hay lao người vào lưới, nhảy bật lao bật ra trước, không nhảy thẳng.
- Nhảy sớm quá nên khi người bắt đầu rơi xuống rồi bóng mới đập qua.
- Hay đưa tay qua lưới.
- Do ham tranh bóng, muốn chắn bóng bật lại ngay hoặc hai tay không giơ thẳng từ dưới lên mà đưa cả cánh tay sang sân đối phương.
Tổng kết
Trên đây là toàn bộ những kỹ thuật đánh bóng chuyền cơ bản dành cho người mới tập chơi đã được tổng hợp và chia sẻ lại bởi Dụng Cụ Thể Dục. Hy vọng những thông tin trên dễ hiểu và bạn có thể áp dụng nó để tập bóng chuyền cho mình. Chúc bạn có kết quả tốt với những bài tập bóng chuyền này. Nếu cảm thấy chủ đề này hữu ích, hãy Like và Share bài viết để ủng hộ Dụng Cụ Thể Dục bạn nhé. Xin chào và hẹn gặp lại ở các chủ đề tiếp theo của chúng tôi !